Thời gian

Sáng: 8h - 12h, Chiều: 1h30 - 20h

Kiến thức

Chăm sóc răng miệng cho trẻ từ những năm tháng đầu đời

08/09/2019

Thống kê của Viện Răng hàm mặt quốc gia cho thấy: số lượng trẻ em Việt Nam bị sâu răng đang có chiều hướng gia tăng, có đến 80% trẻ 4-8 tuổi bị sâu răng, 91% các bé chăm sóc răng miệng không đúng cách. Sâu răng từ nhỏ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, tâm lý giao tiếp của trẻ mà còn gây nhiều bất lợi cho các bé khi trưởng thành. Chính vì vậy mà các bậc cha mẹ nên biết cách chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bé càng sớm càng tốt.

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng trẻ sơ sinh thì không cần phải chăm sóc răng miệng, nhưng thực chất ngay từ những tháng đầu đời, mẹ đã cần phải vệ sinh răng miệng cho bé đúng cách. Vì điều này sẽ giúp bé giảm nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng sau này đồng thời kích thích quá trình mọc răng.  Ở giai đoạn này, mẹ có thể dùng gạc mềm có tẩm nước muối sinh lý để vệ sinh nướu cho bé vài lần mỗi ngày. Nên vệ sinh cả hàm trên và hàm dưới cho bé. Ngoài ra, sau khi cho bé bú, mẹ nên cho bé uống nước để làm sạch miệng.

Thông thường, trẻ từ 6 tháng tuổi sẽ bắt đầu mọc răng sữa. Mọc răng là giai đoạn đặc biệt trong quá trình phát triển của bé. Nó đánh dấu sự “lớn khôn” của cơ thể trẻ để dần thích nghi với môi trường sống. Cha mẹ cần chú ý những thay đổi về sức khỏe của bé trong thời kỳ trẻ mọc răng để có cách chăm sóc bé tốt hơn, nhất là việc ăn uống và ngủ nghỉ của trẻ. Chiếc răng đầu tiên là răng cửa dưới, hàm dưới, sau đó các răng khác sẽ tuần tự mọc. Việc mọc răng nhanh hay chậm vài tháng là điều hoàn toàn bình thường. Thời kỳ mọc răng sữa của bé bắt đầu trong khoảng từ 5 tháng đến 8 tháng tuổi. Thậm chí, có bé sinh ra đã có sẵn 1 hoặc 2 chiếc răng gọi là “răng sơ sinh”.

Một số người thường có suy nghĩ là răng sữa không quan trọng vì nó cũng sẽ được thay thế nên không cần chăm sóc. Nhưng chúng ta nên biết rằng dưới mỗi răng sữa có một mầm răng vĩnh viễn chuẩn bị mọc, nếu vì lý do nào đó răng sữa chậm rụng hoặc mất quá sớm thì các răng vĩnh viễn sau nầy mọc lên có thể chen chúc, không đều nhau và hậu quả là đưa đến sự xáo trộn khớp cắn. Răng sữa tốt, khỏe mạnh sẽ giúp cho răng vĩnh viễn mọc đúng chỗ và dĩ nhiên răng sữa xấu sẽ làm cho răng vĩnh viễn mọc chen chúc. Để chăm sóc tốt nhất cho những chiếc răng sữa đầu tiên của bé, mẹ có thể cho bé uống nước để súc miệng sau khi ăn vì giai đoạn này bé vẫn chưa biết cách nhổ ra và có thể nuốt kem đánh răng. Sau đó dùng gạc quấn quanh ngón tay nhúng vào nước sạch để chùi răng, lợi cho bé ít nhất 1 lần mỗi ngày, chú ý chùi cả bên trong lẫn bên ngoài.

Khi bé được 2 tuổi là lúc bé đã biết nhổ ra và không nuốt kem đánh răng, đây là giai đoạn thích hợp để bắt đầu cho bé tập đánh răng. Bố mẹ nên chọn bàn chải có lông mềm và có kích cỡ phù hợp với răng miệng lứa tuổi của bé. Thuốc đánh răng của bé phải không cay, hơi ngọt và có mùi thơm, lại có chất phòng ngừa bệnh răng miệng và chất tẩy làm răng trắng. Chỉ bôi một lượng nhỏ bằng hạt đậu đen. Bố mẹ cũng phải vệ sinh lưỡi cho bé để đánh bật vi khuẩn gây hôi miệng. Bố mẹ và các thành viên trong gia đình cần làm gương, thúc đẩy và làm cho trẻ cảm thấy hăng hái, nhiệt tình, năng động trong việc chăm sóc hàm răng, hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách, thay bàn chải thường xuyên, khám nha khoa định kỳ…để đảm bảo hàm răng của trẻ luôn khỏe mạnh, đề phòng các bệnh về răng miệng. 

Ngoài việc sử dụng kem đánh răng có flour, trẻ nên được cung cấp flour thông qua ăn uống rau củ quả tươi mát, cá biển, trứng, sữa tươi, gan… Flour vô cùng quan trọng trong việc phòng chống sâu răng và thường được thêm vào thành phần của các loại nước uống vì lý do này.

Đa số các mẹ đều nghĩ rằng bé nhà mình chỉ nên gặp bác sĩ khi gặp các vấn đề về răng miệng như sâu răng hay nhổ răng. Thật ra, trẻ em phải được kiểm tra từ lúc mới mọc những chiếc răng sữa đầu tiên để chắc chắn răng bé vẫn đang phát triển bình thường. Đồng thời nha sĩ sẽ dạy trẻ hiểu thêm về tầm quan trọng của sức khỏe răng miệng. Cả bậc phụ huynh và bé đều cần được trang bị thông tin đầy đủ hơn xung quanh các vấn đề nha khoa như cách ăn uống, kem chứa fluoride và phương pháp chải răng. Sẽ tốt hơn nếu trẻ sớm hiểu biết về sức khỏe răng miệng từ khi còn nhỏ.

Nguồn dữ liệu từ bệnh viện răng hàm mặt TP.HCM