News
4 bệnh về răng thường gặp ở trẻ mà bạn cần biết
Sức khoẻ răng miệng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong những năm đầu đời này, trẻ phải thường xuyên đối mặt với nhiều loại bệnh về răng khác nhau. Vì thế, cha mẹ cần phải tìm hiểu thông tin cặn kẽ và có những chuẩn bị nhất định. Dưới đây là một số căn bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ em mà phụ huynh cần biết.
1. Tưa miệng
Tưa miệng là một căn bệnh liên quan đến nấm Candida Albicans. Loại nấm này phát triển trong môi trường ẩm ướt và có chứa đường. Vì thế, miệng và môi của bé trong quá trình bú sữa mẹ rất dễ nhiễm phải chúng, gây ra bệnh tưa miệng.
Triệu chứng của bệnh bao gồm:
- Xuất hiện những mảng bám màu trắng sữa ở niêm mạc miệng
- Lớp màng trắng có thể đông đặc trên toàn bộ miệng và hàm họng.
- Phía dưới niêm mạc có thể bị chảy máu khi ta đánh đi lớp nấm dày bên trên.
Đối với bệnh này, phụ huynh nên chú ý giữ vệ sinh miệng cho trẻ, rơ miệng 2-3 lần/ngày là tốt nhất. Chú ý không nên dùng lực quá mạnh khi rơ miệng và làm ướt nhẹ bề mặt miệng bằng vải hay nước muối 0,9%. Nếu muốn dùng tới thuốc kháng nấm như Nystatin, cha mẹ nên nhờ đến chỉ định của bác sĩ cho an toàn. Một số mẹo dân gian còn khuyên mọi người dùng mật ong, tuy nhiên cách này chỉ được áp dụng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.
2. Viêm loét lợi:
Viêm loét lợi là tình trạng rất phổ biến và dễ tái phát nhiều lần. Khi bị viêm, lợi của trẻ sẽ có hiện tượng sưng tấy, nặng hơn còn bị chảy máu nhẹ hay thậm chí mọc lên các vết mủ hình tròn.
Nguyên nhân chính là do ăn thực phẩm có nhiều gia vị hoặc chứa tính axit cao. Vài trường hợp bị sưng viêm từ các vết thương nhỏ bị nhiễm trùng mà trẻ tự gây ra cho mình trong quá trình sinh hoạt và vui chơi. Thông thường, những vết loét sẽ tự hết sau 1-2 tuần. Tuy nhiên trong thời gian sưng viêm, chúng sẽ gây ra đau rát cho trẻ, khiến trẻ biếng ăn và trở nên cáu kỉnh.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm lợi là thiết lập một chế độ ăn uống nhiều rau củ, trái cây, cung cấp những món ăn có chứa vitamin B12 và vitamin C. Cha mẹ hãy hạn chế bữa ăn quá nhiều đường, gia vị gây ra nhiệt miệng cho trẻ. Trẻ nên được súc miệng bằng nước muối trong giai đoạn này để chống sưng viêm trở nặng thêm. Bên cạnh đó thì duy trì vệ sinh răng miệng hàng ngày cũng giúp bệnh nhanh chóng thuyên giảm và phòng ngừa tái phát trong tương lai. Nếu tình trạng không thuyên giảm, cha mẹ nên đưa bé đi khám nha sĩ. Không được tự ý mua các loại kháng sinh chống nhiễm trùng một cách tuỳ tiện.
3. Sâu răng:
Đây là một vấn đề xảy ra ở hầu hết tất cả trẻ em và cũng không còn lạ gì với bậc phụ huynh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều lưu ý mà cha mẹ nên biết.
Sâu răng xảy ra sau quá trình dài tích trữ mảng bám, vi khuẩn xâm nhập và ăn mòn men răng. Chế độ ăn nhiều đường, axit và thói quen vệ sinh chưa khoa học cũng góp phần gây nên sâu răng ở trẻ. Răng có thể bị hỏng cả hàm nhưng phổ biến nhất thường là ở răng hàm trên, răng cửa hoặc răng nanh. Răng bị sâu sẽ bắt đầu chuyển màu vàng, nâu hoặc thậm chí đen. Quan sát bằng mắt thường sẽ thấy bị bào mòn từ nhiều phía. Thậm chí đến tận chân răng.
Nhiều phụ huynh thường xem nhẹ vấn đề này vì nghĩ rằng răng sữa đằng nào cũng bị thay thế. Tuy nhiên, nếu răng sữa bị mất quá sớm hoặc bị nhổ đi do sâu răng, các răng vĩnh viễn mọc sau sẽ bị ảnh hưởng. Chức năng của răng sữa là tạo khoảng trống vừa đủ cho răng vĩnh viễn mọc lên. Nếu chúng bị hỏng hoặc mất sớm, mất quá nhiều thì nguy cơ cao là trẻ sẽ bị mọc lệch răng hoặc hô, móm về sau.
Hơn thế nữa, răng bị ăn mòn quá nặng sẽ ảnh hưởng tới phần tuỷ ở dưới. Vấn đề này sẽ nghiêm trọng nếu xảy tới với trẻ, đòi hỏi nha sĩ phải điều trị tủy – một thủ thuật rất phức tạp và tốn kém. Vậy nên, hãy nhanh chóng đưa trẻ đi khám khi nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của sâu răng nhé.
4. Áp xe
Áp xe là những bọc nhỏ hình tròn giống như mụn, có chứa dịch mủ bên trong, thường xuất hiện ở cùng má trong, lợi, vùng chân răng, Chỗ sưng đó sẽ khiến bé rất đau, khó nhai nuốt và dẫn đến biếng ăn.
Áp xe là bệnh do vi khuẩn gây ra. Nó khiến trẻ cảm thấy đau đớn và còn lây lan sang nhiều răng cạnh bên nếu không được nhanh chóng điều trị. Nguyên nhân thường gặp khác là từ những chiếc răng sâu quá nặng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ nhiều hơn.
Tác hại của bệnh này nguy hiểm hơn bạn tưởng rất nhiều, thậm chí nó có thể dẫn đến nhiễm trùng máu. Một số trường hợp sẽ bị sốt cao khi mắc áp xe. Đối với áp xe, tốt nhất là phụ huynh nên nhờ tới tư vấn chuyên khoa. Để giảm các cơn đau tại nhà, bạn có thể cho trẻ ngậm nước muối ấm hoặc chườm đá lạnh từ 15-20 phút.
Phát hiện và điều trị áp xe răng ở giai đoạn đầu sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng lây sang nướu và những chiếc răng khác. Vậy nên, hãy hình thành thói quen dẫn trẻ đi khám nha khoa mỗi 6 tháng/ lần. Dùng kem đánh răng có flour. Ăn uống đủ chất. Đặc biệt là bổ sung canxi để đảm bảo sự hình thành và phát triển của răng một cách tốt nhất.
Bên trên là bốn loại bệnh về miệng rất phổ biến đối với trẻ em. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp có thể giúp cho các bậc phụ huynh có thêm hiểu biết và chăm sóc con trẻ tốt hơn. Tuy nhiên bạn hãy luôn nhớ tìm tới sự hỗ trợ của các nha sĩ trong những trường hợp cần thiết nhé! Nha Khoa 2000 chúc cho gia đình bạn thật nhiều sức khỏe và luôn có nụ cười tươi xinh.