Thời gian

Sáng: 8h - 12h, Chiều: 1h30 - 20h

Kiến thức

5 điều bạn cần biết trước khi quyết định niềng răng mắc cài

08/09/2019

Niềng răng mắc cài là phương pháp chỉnh nha phổ biến nhất hiện nay. Nhiều người vẫn đang cân nhắc lựa chọn phương pháp này vì sợ ảnh hưởng đến sinh hoạt, hay do chi phí niềng răng cao. Bài viết sau đây sẽ cung cấp 5 gạch đầu dòng mà bạn cần biết trước khi quyết định niềng răng mắc cài.

Ai nên niềng răng?

Bất cứ ai mong muốn sở hữu một hàm răng đẹp đều có thể đi niềng răng và cải thiện thẩm mỹ răng miệng của mình.

Các bác sĩ khuyên rằng độ tuổi phù hợp nhất để niềng răng là từ 10 – 14 tuổi. Cụ thể là sau khi các răng cửa mọc đã hoàn chỉnh. Tuy nhiên, người trưởng thành vẫn có thể niềng răng bình thường. Thời gian điều chỉnh sẽ lâu hơn vì răng và xương hàm đã phát triển hoàn thiện.

Niềng răng không chỉ vì đẹp mà còn vì sức khoẻ

Gần như đại đa số mọi người đi niềng vì mục đích thẩm mỹ. Song, mấy ai biết được rằng niềng răng còn mang lại lợi ích khác lớn hơn thế – cải thiện sức khoẻ. Một số lợi ích về sức khoẻ có thể kể đến bao gồm:

  • Cải thiện chức năng ăn nhai. Thức ăn nhai không đúng cách có thể dẫn đến các triệu chứng khó tiêu và nhu động ruột. Niềng răng sẽ giúp sắp xếp đều lại vị trí các răng nhờ đó thức ăn được nhai và nghiền nát tốt, tiêu hóa sẽ diễn ra thuận lợi hơn.
  • Ngăn ngừa sâu răng. Khi răng càng mọc lệch nhiều, khoảng trống giữa các răng càng lớn sẽ tạo điều kiện cho thức ăn bị kẹt lại và gây ra sâu răng. Niềng răng giúp răng được điều chỉnh vừa khít, hạn chế sự mắc kẹt thức ăn trong các kẽ răng, nhờ đó giảm thiểu khả năng bị sâu răng về sau.
  • Giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn khớp hàm.

Biểu hiện của rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) là những cơn nhức mỏi ở một hoặc cả hai bên khớp thái dương – hàm. Người bệnh có thể thấy đau nhói ở trong hoặc quanh vùng tai, thậm chí là vùng mặt. Chứng rối loạn này có thể phát sinh từ những cử động hàm không đều do răng mọc lệch. Đeo niềng răng có thể ngăn ngừa khả năng mắc bệnh TMJ đáng kể nhờ việc răng được điều chỉnh khớp với hàm hơn, tạo ra các cử động nhai chính xác.

Vậy nên, niềng răng không chỉ mang tới lợi ích thẩm mỹ mà còn giúp cải thiện đáng kể sức khỏe răng miệng của bạn theo nhiều cách khác nhau.

Niềng răng có gây ảnh hưởng tới thói quen sinh hoạt không?

Niềng răng gây ra cảm giác khó chịu trong một tuần đầu tiên vì bạn vẫn chưa quen với sự hiện diện của khung niềng. Áp lực mà khung niềng tạo ra cũng gây nhức ở hàm. Thực tế cho thấy, bạn sẽ sớm làm quen với nó sau một thời gian ngắn. Nhìn chung, có 2 thay đổi lớn mà người đeo niềng răng sẽ phải đối mặt.

Thay đổi về ăn uống, người niềng răng không được ăn những thực phẩm cứng, dai, dính và chứa nhiều đường. Nếu bạn phải hoạt động hàm mạnh để nhai thức ăn, khung nẹp có thể bị sai lệch và thậm chí là gãy. Các món ăn, thức uống nhiều đường dễ dẫn tới sâu răng do vệ sinh răng miệng khó hơn khi niềng. Chúng ta cũng nên tránh xa các thức uống như cà phê và nước có ga bởi chúng sẽ tạo ra mảng bám, làm xỉn màu răng. Tốt nhất, bạn chỉ nên ăn các thức ăn cắt nhỏ, nấu mềm và uống nước lọc. Đặc biệt là trong tuần đầu tiên.

Thay đổi về vệ sinh, chăm sóc răng miệng. Niềng răng đòi hỏi một chế độ vệ sinh tỉ mỉ hơn rất nhiều so với răng thông thường. Nhìn chung, bạn cần loại bỏ các vụn thức ăn thừa ngay sau ăn. Người niềng răng sẽ có bàn chải riêng nhằm bảo vệ cấu trúc khung nẹp và tối đa hóa khả năng làm sạch mà bàn chải thông thường không thể thực hiện được. Bạn cũng nên đi tái khám thường xuyên theo lưu ý của Bác sĩ để đạt kết quả như mong muốn.

Chi phí niềng răng có cao không?

Nhiều người tỏ ra quan ngại về chi phí niềng răng mắc cài. Việc bỏ ra vài chục triệu cho răng hàm không phải một quyết định đơn giản. Tuy nhiên, hãy thử làm một phép so sánh đơn giản: Trung bình 35-60 triệu đồng chỉ vừa đủ cho một chuyến du lịch Châu Âu trong vài ngày. Trong khi kết quả niềng răng có thể đem lại những lợi ích mà tiền bạc không thể chi trả được như sức khoẻ, sự tự tin, v.v.

Bên cạnh đó, chi phí niềng răng mắc cài cũng còn tùy thuộc loại khí cụ mà bạn chọn. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể làm chủ được túi tiền của mình những vẫn nhận lại được kết quả như ý.

Nếu nhỡ làm hỏng niềng

Nếu gặp trường hợp này, bạn cần ngay lập tức đến gặp Bác sĩ. Khi khung niềng bị sứt gãy nhưng không được điều chỉnh sớm sẽ khiến hàm bị lệch đi, dẫn đến kết quả không được như mong muốn. Để đạt được kết quả tốt, người bệnh cần ý thức bảo vệ khung nẹp của mình.

Hy vọng bài viết trên đây sẽ giải đáp được phần nào các băn khoăn của quý độc giả. Chúc bạn sớm có một nụ cười rạng rỡ!