News
Nhận biết trẻ mọc răng sớm và cách xử trí phù hợp
Bất cứ vấn đề nào ở con trẻ đều có thể làm các bậc phụ huynh hết sức lo lắng. Mọc răng sớm tuy là một hiện tượng thường xuyên xảy ra với bé, nhưng với nhiều triệu chứng phụ đi kèm đã gây ra không ít bối rối cho cha mẹ. Vậy làm cách nào bạn có thể nhận biết nhanh chóng những dấu hiệu khi trẻ mọc răng sớm và kịp thời ứng phó với các thay đổi này? Hãy để Nha Khoa 2000 giúp bạn nhé!
1. Khi nào thì gọi là mọc răng sớm?
Thông thường, trẻ sẽ bắt đầu mọc răng trong giai đoạn từ 6-8 tháng tuổi. Hai chiếc răng cửa hàm dưới sẽ mọc đầu tiên, sau đó những chiếc răng còn lại sẽ dần mọc tiếp và hoàn chỉnh vào khoảng 30 tháng tuổi. Như vậy, các trường hợp răng mọc trước tháng thứ 6 là sớm hơn bình thường. Ở một số ca hiếm gặp, trẻ mới chào đời hoặc qua vài tuần tuổi đã có sẵn 1-2 chiếc răng – chúng được gọi là răng sơ sinh. Nếu gặp phải trường hợp này, bạn nên đưa trẻ đi khám để được xử lý đúng cách, tránh gây cản trở quá trình bú sữa mẹ. Nếu như nha sĩ chỉ định là mọi thứ không có vấn đề gì thì cha mẹ cũng không cần quá lo lắng.
2. Nguyên nhân của việc mọc răng sớm
Trẻ mọc răng sớm hoặc muộn hơn thông thường là việc bình thường, đôi khi bẩm sinh do di truyền đã thế. Trình tự mọc răng tiêu chuẩn không phải đúng với bất cứ đứa trẻ nào. Việc này bị ảnh hưởng chủ yếu từ chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ. Nếu trong quá trình mang thai, mẹ bổ sung quá nhiều canxi, vitamin D thì rất có khả năng trẻ sẽ mọc răng sớm. Tuy nhiên phụ huynh có thể an tâm là mọc răng sớm hay muộn không ảnh hưởng quá lớn đến sự phát triển của trẻ.
3. Những biểu hiện của trẻ khi mọc răng sớm
Vì cơ thể phải dồn dinh dưỡng và năng lượng cho việc mọc răng, trẻ sẽ gặp phải một số rối loạn dễ nhận biết sau đây:
● Bị chảy nước dãi nhiều: Đây là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu cho bạn là trẻ sắp sửa mọc răng, đừng lo lắng quá nhé.
● Cơ thể mệt mỏi, quấy khóc, khó chịu, dễ bị kích động: Không khác gì người lớn, trẻ khi mọc răng cũng trải qua cảm giác khó chịu, thậm chí là đau nhức ở lợi. Vì thế việc các bé trở nên cáu kỉnh hơn bình thường là vô cùng dễ hiểu.
● Nghiến nướu hoặc gặm ngón tay: Mọc răng khiến nướu sưng lên và gây đau, lợi cũng sẽ bị kích thích. Nếu quan sát kỹ, cha mẹ có thể thấy nướu bị sưng, tấy đỏ hoặc loét. Do đó, trẻ thường có cảm giác ngứa ngáy và biểu hiện ra bên ngoài bằng cách nghiến nướu, cắn ti mẹ hoặc cho tay, đồ vật vào miệng nhai.
● Thân nhiệt cao, sốt nhẹ: Một số bé khi mọc răng sẽ có thân nhiệt cao, sốt nhẹ và thường xuyên khó chịu mỗi khi đi ngủ. Dấu hiệu phát hiện trẻ mọc răng sớm này thường bị nhầm lẫn với các dấu hiệu khác nên cha mẹ cần để ý thêm các biểu hiện khác. Một số bé thậm chí còn bị sốt phát ban, kèm theo các biểu hiện hắt hơi, sốt nhẹ, ho sổ mũi và kéo dài nhiều ngày.
● Ăn uống kém, bỏ ăn, bỏ bú, sụt cân: Vì liên tục bị kích ứng và ảnh hưởng bởi cơn sốt, trẻ sẽ dễ thấy chán ăn. Nếu kéo dài, tình trạng rối loạn tiêu hóa nhẹ như đi tiêu phân lỏng cũng có thể xảy ra.
4. Bí quyết cho cha mẹ khi bé mọc răng sớm
Đối diện với nhiều thay đổi trong giai đoạn này ở trẻ, cha mẹ cần bình tĩnh xử lý một cách khoa học.
- Đối với những cơn sốt mọc răng, để dễ phân biệt, nhiệt độ cơ thể của bé sẽ cao hơn thông thường một chút nhưng không tới ngưỡng 38°C. Nếu trẻ sốt nhẹ chỉ cần lau nước ấm và bổ sung nước cho trẻ. Tuyệt đối không nên tự mua kháng sinh cho trẻ mà cần chỉ định của bác sĩ. Nếu vượt qua mốc nhiệt này kèm theo tiêu chảy kéo dài, ngủ li bì, có thể trễ đang mắc một bệnh nào khác. Lúc này, hãy nhanh chóng đưa con đến phòng khám để kịp thời chẩn đoán và chữa trị.
- Nếu bé quấy rầy quá nhiều. Trẻ em giao tiếp với chúng ta qua tiếng khóc. Cha mẹ nên thông cảm và kiên nhẫn với bé trong giai đoạn này bởi chính bản thân con cũng rất khó chịu hay thậm chí là thấy đau rát ở lợi. Có một dụng cụ rất hữu ích giúp giảm căng thẳng cho trẻ là vòng nhai mọc răng. Loại vòng này được làm từ silicon vô trùng, rất an toàn cho trẻ cắn nhai. Lưu ý khi chọn mua vòng, cha mẹ không nên mua các sản phẩm không rõ xuất xứ hoặc có chứa dịch lỏng bên trong bởi chúng rất dễ rò rỉ. Sau khi trẻ dùng, hãy trụng qua nước sôi và cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản.
- Đừng bắt bé ăn quá nhiều, nếu được hãy cho bú sữa mẹ. Phụ huynh nên chia nhỏ các bữa ăn, ưu tiên ninh nhừ thực phẩm. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dạng cháo, càng mềm càng tốt. Tránh thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh và bổ sung hàm lượng canxi trong bữa ăn hàng ngày.
- Giữ vệ sinh cho bé là điều hết sức quan trọng vào thời điểm này. Cha mẹ hãy lau sạch nước dãi chảy quanh miệng và nướu bằng khăn mềm, sạch. Đặc biệt là sau khi cho trẻ bú và ăn. Rửa tay thật sạch mỗi khi thực hiện chà nướu cho bé. Bạn có thể dùng miếng gạc hoặc vải mềm, sạch sẽ quấn quanh ngón trỏ và thấm ướt rồi nhẹ nhàng lau nướu cho bé. Bạn cũng có thể cho con đeo yếm nếu nước dãi liên tục chảy nhé.
Chắc chắn việc mọc răng sớm sẽ gây vất vả cho cả bố mẹ và em bé. Tuy nhiên đây là quá trình tất yếu trong hành trình lớn lên của trẻ. Hy vọng những thông tin hữu ích vừa chia sẻ trên đây sẽ giúp các gia đình biết cách chăm sóc con hợp lý hơn. Chúc bạn và bé luôn khỏe mạnh!