Thời gian

Sáng: 8h - 12h, Chiều: 1h30 - 20h

Kiến thức

Chỉnh Nha là gì? Tại sao cần chỉnh nha? Khi nào chỉnh nha?

08/09/2019

CHỈNH NHA LÀ GÌ?

Chỉnh Nha hay còn gọi tắt là Chỉnh chình răng mặt là một chuyên nghành của Nha khoa nhằm nghiên cứu, theo dõi sự phát triển và tăng trưởng của hệ thống răng-hàm-mặt để phòng ngừa và chữa trị các sai lệch của bộ phận răng-hàm-mặt

Chỉnh nha có hai dạng chính:

  • Chỉnh nha cố định: niềng răng – đây là phương pháp chỉnh nha phổ biến nhất, Bác sĩ Chỉnh nha sẽ gắn cố định một số khí cụ trên răng bệnh nhân để điều chỉnh đến vị trí thích hợp. Ngoài ra Bác sĩ Chỉnh nha có thể gắn cố định một số khí cụ chuyên dụng để điều trị các thói quen xấu như mút ngón tay, đẩy lưỡi hoặc gắn cố định khí cụ để duy trì khoảng hở của răng sữa mất sớm cho răng vĩnh viễn tương ứng mọc lên
  • Chỉnh nha tháo lắp: Chỉnh hình tháo lắp truyền thống ít được chỉ định điều trị toàn diện, đa số khí cụ tháo lắp được sử dụng trong giai đoạn đầu của quá trình điều trị và sau đó thay thế bằng khí cụ cố định
  • Chỉnh nha Invisalign: phương pháp chỉnh nha sử dụng các khay trong suốt để di chuyển răng, các khay này bệnh nhân có thể tự tháo ra khi ăn, chải răng hoặc một trong sự kiện quan trọng. Tuy nhiên bệnh nhân cũng cần mang khay Invisalign 22 tiếng một ngày mới đạt hiệu quả tốt.

TẠI SAO CHÚNG TA CẦN CHỈNH NHA?

Chúng ta phải chỉnh nha vì nhiều lý do sau đây :

  • Răng mọc chen chúc và lệch lạc sẽ gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng làm tăng tỉ lệ sâu răng và bệnh nha chu.
  • Răng chen chúc, lệch lạc có thể làm cản trở răng khác mọc lên gây thiếu răng
  • Răng mọc chen chúc và lệch lạc làm sai khớp cắn tạo nhưng điểm vướng cộm, cản trở sự di chuyển bình thường của hàm dưới khi thực hiện chức năng nhai. Từ đó có thể gây ra những rối loạn chức năng ở khớp thái dương hàm, đau đầu, gáy, cổ, vai và đau lưng.
  • Sai khớp cắn cũng ảnh hưởng đến hoạt động nhai và hiệu quả nhai, nhất là khi có rất ít răng tiếp xúc nhau khi nhai.
  • Khớp cắn lệch lạc trầm trọng có thể gây khó khăn trong việc phát âm hoặc thậm chí không thể phát âm được âm nào đó.
  • Lý do quan trong nhất để bệnh nhân đến gặp Bác sĩ Chỉnh nha chính là vấn đề THẨM MỸ; những khiếm khuyết về hàm mặt như hô, móm, cắn ngược, cắn hở … gây tác động xấu lên tâm lý bệnh nhân và tác động này có thể kéo dài cả cuộc đời.

KHI NÀO BẠN CẦN CHỈNH NHA?

Chỉ Bác sĩ Chỉnh nha mới có thể xác định bạn nên chỉnh nha hay không. Dựa trên các công cụ chẩn đoán bao gồm toàn bộ lịch sử y tế và nha khoa, khám lâm sàng, lấy dấu, đổ mẫu hàm thạch cao để nghiên cứu, chụp X quang, Bác sĩ Chỉnh nha sẽ quyết định về việc cần thiết cho lựa chọn chỉnh nha của bạn.

Tuy nhiên nếu bạn có bất kỳ biểu hiện nào sau đây, bạn nên đến gặp Bác sĩ Chỉnh nha:

  • Hô: các răng phía trước hàm trên nằm quá xa về phía trước so với các răng phía trước của hàm dưới khi hai hàm cắn khớp lại
  • Móm: các răng phía trước hàm dưới nằm quá xa về phía trước so với các răng phía trước của hàm trên
  • Cắn hở: là tình trạng có một khoảng hở giữa mặt nhai hoặc cạnh cắn của một hay nhiều răng giữa hai hàm răng khi hai hàm cắn khớp lại
  • Cắn sâu: các răng trước hàm trên che phủ gần như hết răng trước hàm dưới, cạnh cắn của răng cửa hàm dưới chạm cổ răng cửa hàm trên hoặc chạm nướu mặt trong của răng của trên khi hai hàm cắn khớp lại
  • Cắn chéo: là tình trạng khi hai hàm cắn khớp lại có một hoặc một vài răng hàm trên nằm ở phía trong so với răng hàm dưới
  • Răng chen chúc: là tình trạng các răng trên một hoặc hai cung răng không có đủ chỗ để sắp ngay ngắn, đều đặn, có một hoặc nhiều răng bị nghiêng, xoay, mọc lệch ngoài, lệch trong hay ngầm trong xương
  • Lệch đường giữa: khi đường thẳng giữa hai răng cửa giữa hàm trên không trùng với đường thẳng giữa hai răng cửa giữa hàm dưới
  • Thưa răng: giữa răng có các khoảng trống ngay khi mọc hoặc do mất răng