Thời gian

Sáng: 8h - 12h, Chiều: 1h30 - 20h

Kiến thức

NHỮNG LƯU Ý CHĂM SÓC RĂNG NIỀNG

15/07/2020

Sau khi gắn niềng thì vấn đề mà tất cả mọi người quan tâm nhất chính là chăm sóc răng miệng như thế nào mới đúng. Để tối đa hóa hiệu quả của việc mang niềng và bảo vệ sức khỏe của bạn, yêu cầu vệ sinh sẽ phức tạp hơn nhiều. Hãy đọc bài viết dưới đây để biết được cách vệ sinh răng miệng khi đang mang niềng nhé.

Các dụng cụ vệ sinh răng miệng mà bạn cần

Điều đầu tiên chúng ta cần làm là chuẩn bị cho mình những “người bạn mới”. Các dụng cụ, thiết bị vệ sinh răng miệng chuyên dụng này là thứ bất ly thân của người mang niềng.

  • Bàn chải: Hãy ngay lập tức tạm biệt bàn chải cũ và nhanh chóng thay thế bằng loại có lông chải mềm và mỏng nhất bạn tìm được. Thông thường ở các phòng khám Nha khoa nơi bạn thực hiện niềng sẽ có bán kèm các loại dụng cụ cần thiết. Bạn có thể tham khảo một số bàn chải được đánh giá cao như CURAPROX, Oral-B, Sensodyne Precision. Tuy nhiên, bạn là người duy nhất tìm ra được loại bàn chải phù hợp với mình qua trải nghiệm thực tế.

    Hãy nhớ thay bàn chải mỗi 3 tháng/lần. Tốt nhất là thay ngay khi nhận thấy nó bị xơ tua hoặc rụng lông chải.
  • Kem đánh răng: Hãy nhớ đến từ khóa Fluoride khi chọn mua kem đánh răng. Luôn sử dụng kem đánh răng có chứa fluoride. Chất này có tác dụng bảo vệ và làm răng cứng chắc trong suốt quá trình chỉnh nha. Tuy nhiên đừng nên lạm dụng quá mức. Theo các bác sĩ Nha khoa, người lớn nên dùng kem đánh răng có hàm lượng Fluor từ 1000-1500ppm. Đối với trẻ em là từ 200-450ppm.
  • Chỉ nha khoa: Đây là một dụng cụ quá quen thuộc với mọi người dù cho có niềng răng hay không. Chỉ nha khoa giúp làm sạch kẽ răng rất tốt và nhẹ nhàng, tránh nguy cơ làm tổn thương nướu khi dùng tăm tre thông thường. Nếu bạn phải ra ngoài nhiều hoặc đã đi làm rồi thì càng cần tới chỉ nha khoa. Vật dụng này vô cùng nhỏ – gọn – nhẹ nên hãy luôn mang theo bên mình nhé.
  • Tăm nước: Thiết bị hiện đại này là một loại máy làm sạch bằng cách phun ra một tia nước mỏng với áp lực nhất định. Đúng như tên gọi của mình, tia nước này giống như một loại tăm xỉa giúp bạn lấy đi thức ăn thừa. Tuy nhiên đây là một vật dụng thêm vào chứ không bắt buộc. Giá cả của nó cũng không rẻ, những dòng máy có chất lượng cao đều dao động ở tầm 1 triệu trở lên.
  • Bàn chải kẽ răng: Đây là dụng cụ mà tất cả những người niềng răng đều sở hữu và yêu thích. Bàn chải kẽ răng dùng để loại bỏ thức ăn thừa vướng lại trên khung niềng chứ không phải dùng để đánh răng. Khi bạn đeo niềng răng, thức ăn mà bạn dùng sẽ vướng lại cực kỳ nhiều trên khung niềng. Cho dù bạn có đi đánh răng thì cũng chưa đủ. Tính hữu dụng của nó rất cao. Nếu thiếu đi dụng cụ này, bạn sẽ không thể làm sạch hoàn toàn mắc cài. Nó còn giúp loại bỏ mảng bám trên răng nữa.

    Khi sử dụng, bạn bẻ gập phần dây thép của bàn chải, tạo góc thích hợp để đưa lông chải vào bên dưới dây cung, chải chậm rãi 10-15 lần từ mắc cài này sang mắc cài khác. Thông thường, người ta sẽ sử dụng bàn chải kẽ răng trước rồi mới đánh răng lại lần nữa để làm sạch hoàn toàn thức ăn thừa sót lại.
  • Rơ lưỡi: Đây là một bước vô cùng cần thiết. Lưỡi của bạn là nơi giữ lại rất nhiều vi khuẩn có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Vậy nên, hãy dành thêm ít thời gian để làm sạch bề mặt lưỡi. Rơ lưỡi có giá thành rẻ và được bán phổ biến ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng dược. Bạn chọn loại nào có kích cỡ và chi phí phù hợp với mình là được.
  • Nước súc miệng: Đây là bước cuối cùng để hoàn chỉnh việc vệ sinh răng miệng, giúp làm sạch hoàn toàn khoang miệng từ vùng má, nướu, lợi đến răng và lưỡi. Các loại nước súc miệng hiện nay cũng đa dạng với nhiều mùi hương khác nhau. Thói quen súc miệng bằng nước chuyên dụng này sẽ giúp bạn ngừa được chứng hôi miệng nữa đấy.

Như vậy bạn cũng có thể thấy là việc vệ sinh răng khi đeo niềng trải qua khá nhiều bước. Mới đầu thì bạn sẽ cảm giác hơi phiền toái nhưng lâu dần nhiều người còn không chịu được cảm giác răng miệng không được làm sạch hoàn toàn nếu qua loa, bỏ bước. Suy cho cùng thì quy trình này cũng chỉ toàn mang lại ích lợi cho bạn mà thôi.

Và một số lưu ý nhỏ khác

Bạn lưu ý không được đập phần nhựa ở phía sau bàn chải vào phần cánh mắc cài vì nó có thể gây hại cho mắc cài. Nếu bạn dùng bàn chải điện thì nên đặt ở tốc độ vừa phải, tránh làm hỏng hay rơi mắc cài. Hãy nhớ là chỉ được để lông bàn chải tiếp xúc với khung niềng mà thôi nhé.

Tốt nhất bạn vẫn phải thay đổi chế độ ăn uống. Tuyệt đối không ăn vặt hay ăn bánh kẹo nhiều đường trước khi đi ngủ mà không đánh răng lại. Bạn nên tránh tất cả các loại thực phẩm cứng. Và, cũng không được ăn những món ăn yêu cầu phải xé, nghiền mạnh, chúng có thể làm xô lệch hoặc đứt dây đai. Cuối cùng và quan trọng hơn hết, ghi chép lại lịch gặp Bác sĩ để kịp thời kiểm tra tình trạng vệ sinh của bạn.

Bằng việc duy trì một quy trình chăm sóc răng miệng nghiêm ngặt và cẩn thận như vậy, ngày mà bạn có một nụ cười tươi đẹp rạng ngời sẽ không còn xa nữa.