Kiến thức
Những nguyên nhân phổ biến khiến răng mọc lệch ở trẻ
Răng mọc lệch là tình trạng rất thường gặp ở trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ và quá trình ăn nhai. Ngày nay, khi nhận thức chăm sóc răng miệng càng được chú trọng hơn, nhiều bậc phụ huynh có mong muốn ngăn ngừa vấn đề này từ sớm. Để bắt đầu, chúng ta cần nắm rõ các nguyên nhân khiến răng mọc lệch. Hãy cùng Nha Khoa 2000 tìm hiểu kỹ về chủ đề này nhé!
Những ảnh hưởng của răng bị mọc lệch
Đầu tiên và rõ rệt nhất chính là vấn đề thẩm mỹ. Hàm răng xô lệch, mất trật tự sẽ khiến nụ cười của trẻ thiếu đi sự duyên dáng. Chưa kể phát âm của trẻ cũng bị ảnh hưởng, trở nên thiếu rõ ràng hoặc không tròn vần. Lí do là các răng và hàm không khớp với nhau. Nếu giữ nguyên tình trạng cho đến lúc lớn, việc giao tiếp của trẻ sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Trẻ sẽ dễ trở nên nhút nhát, thiếu tự tin về bề ngoài của mình.
Không chỉ vậy, răng mọc lệch còn dễ kéo theo các bệnh lý khác. Khi răng mọc lệch, thức ăn thừa dễ mắc kẹt trên bề mặt hoặc giữa kẽ răng sẽ rất khó được vệ sinh sạch sẽ. Lâu dần chúng tích tụ thành mảng bám, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và gây sâu răng, viêm lợi, nha chu, v.v. Hàm răng mọc lộn xộn sẽ làm khớp cắn không tốt. Vì thế, hiệu quả nhai nghiền của trẻ sẽ kém đi.
5 nguyên nhân phổ biến khiến răng của trẻ mọc lệch
- Duy trì các thói quen xấu trong thời gian dài: Tai hại là vậy nhưng ít ai biết rằng một số thói quen tưởng chừng vô hại của trẻ lại chính là thủ phạm khiến răng mọc lệch. Các thói quen xấu như mút tay, đẩy lưỡi, thở bằng miệng, bú bình, nằm sấp khi ngủ, nghiến răng, v.v. đều là nguyên nhân khiến cấu trúc xương hàm, vị trí răng bị thay đổi dẫn đến răng mọc lệch. Trong đó, tật mút ngón tay là phổ biến nhất. Có khoảng 50% trẻ em duy trì thói quen này trong suốt 6 năm đầu đời hay thậm chí lâu hơn thế nếu không được chỉnh sửa. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cha mẹ hãy chú ý ngăn ngừa các thói quen không tốt ngay khi trẻ còn nhỏ.
- Thiếu dinh dưỡng: Canxi là chất khoáng không thể thiếu đối với sự phát triển và duy trì cấu trúc xương hàm. Trẻ thiếu canxi thì xương hàm không được phát triển đầy đủ, các khớp cắn không được khít. Bên cạnh đó, xương hàm và răng của trẻ em cũng cần tới các chất dinh dưỡng khác như protid, glucid, lipid, vitamin D, K, C, magie, kẽm, v.v. để phát triển mạnh khỏe. Cha mẹ nên chú ý đến thành phần bữa ăn của bé, đảm bảo cung cấp đầy đủ các vi chất trên trong giai đoạn mọc răng.
- Di truyền từ cha mẹ: Cha mẹ có răng lệch, hàm móm hoặc hô thì con cái cũng rất dễ đối diện với những vấn đề tương tự do cơ chế lưu truyền thông tin trong ADN. Vậy nên, các bậc phụ huynh nên tự nhận biết điều này và có sự lưu tâm đặc biệt đến con của mình từ bé. Nếu nhận thấy dấu hiệu từ sớm, hãy nhờ đến sự can thiệp của Bác sĩ nhé.
- Mất răng sữa quá sớm: Trong giai đoạn mọc răng vĩnh viễn, vai trò của răng sữa là giữ các khoảng trống cân đối giúp răng mới mọc lên ngay ngắn. Thế nhưng trong một số trường hợp, răng sữa bị mất quá sớm hoặc nhiều chiếc mất cùng lúc sẽ tạo ra một khoảng trống lớn. Lúc này, một số răng vĩnh viễn mọc trước sẽ lấn sang vị trí của các răng còn lại. Dẫn đến tình trạng có răng thì quá to, răng lại quá nhỏ, chúng phải chen chúc nhau và trở nên lệch lạc.
- Chấn thương ngoài ý muốn: Trẻ em luôn có rất nhiều năng lượng và yêu thích các hoạt động chạy nhảy. Các chấn thương vô tình xảy ra trong lúc vui chơi là điều khó tránh khỏi. Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới việc răng mọc lệch. Nếu chẳng may răng miệng của con bạn bị chấn thương, hãy dẫn bé đến khám càng sớm càng tốt để nha sĩ kịp thời có can thiệp.
Phụ huynh có thể giúp đỡ trẻ thế nào?
Để hạn chế thời gian và các can thiệp phức tạp về sau, cha mẹ có thể giúp trẻ phòng ngừa hoặc giảm bớt tình trạng răng mọc lệch bằng nhiều cách khác nhau.
Nhận biết sớm nhất có thể
Đầu tiên, bạn cần nhận biết vấn đề càng sớm càng tốt. Một số dấu hiệu giúp nhận biết răng trẻ có mọc lệch hay không bao gồm:
- Xương hàm đưa ra phía trước hoặc phía sau quá nhiều.
- Hàm trên, hàm dưới không chuẩn tỉ lệ, một số trường hợp bị lệch khớp cắn.
- Răng vĩnh viễn mọc lên nhưng hơi chìa ra, nằm phủ bên ngoài hàm dưới, thụt vào hoặc bị nghiêng, xoay.
- Răng vĩnh viễn mọc quá thưa hoặc chen chúc.
- Trẻ sẽ hay cắn phải má, lợi khi ăn nhai.
Giúp trẻ từ bỏ những thói quen xấu
Nếu bạn quan sát thấy con mình đang có một trong những tật xấu nêu ở trên, hãy nhắc nhở thường xuyên và chỉnh nắn lại giúp bé. Dành thời gian nói chuyện và kiên nhẫn giáo dục dần dần để trẻ hiểu ra những tác hại của việc làm không tốt đó.
Thường xuyên đi nha sĩ kiểm tra
Ngay thời điểm nhận ra dấu hiệu răng mọc lệch, hãy nhanh chóng cho con đến khám với bác sĩ để kịp thời có hướng điều trị. Thông thường, với trẻ nhỏ tuổi thì nha sĩ sẽ chỉnh định mang một số loại khí cụ đơn giản giúp chỉnh nắn răng mọc ngay ngắn. Nhờ đó, phòng tránh được việc răng mọc lệch và giúp trẻ không phải mang niềng khi lớn lên.
Chuẩn bị các kiến thức từ sớm sẽ giúp cha mẹ phòng ngừa được tình trạng răng mọc lệch ở trẻ. Hy vọng bài viết trên đã hỗ trợ phần nào cho các bậc phụ huynh trong chăm sóc sức khỏe răng miệng con trẻ. Nha Khoa 2000 chúc các thành viên trong gia đình bạn luôn có nụ cười tươi xinh và mạnh khỏe.