Thời gian

Sáng: 8h - 12h, Chiều: 1h30 - 20h

Kiến thức

Niềng răng mắc cài có đau không?

08/09/2019

Nhiều người do lo sợ không chịu nổi những cơn đau do niềng răng mang lại nên ngần ngại không thực hiện. Thực tế, niềng răng sẽ gây ra cảm giác khó chịu nhất định. Song, nó không hề mang tới những cơn đau đến mức không chịu nổi như nhiều người đồn đại. Sự thật là như thế nào? Niềng răng mắc cài có đau không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp lý giải cho câu hỏi này.

Gắn khung niềng có đau không?

Trên thực tế, quá trình niềng răng ban đầu – căng dây tạo lực siết chặt được hầu hết các bệnh nhân mô tả là phần khó chịu nhất khi niềng. Nguyên nhân bắt nguồn từ lực kéo đẩy của dây cung tác động lên răng. Đây là thủ thuật để nắn chỉnh răng về đúng vị trí trên cung hàm. Khí cụ chỉnh hình (mắc cài, dây cung, khung nới rộng hàm) tạo lực làm di chuyển răng, xương đồng thời cũng gây ra những cơn đau. Theo thống kê thì khoảng 90-95% bệnh nhân có ghi nhận đau và mức độ khác nhau tùy vào mức độ phức tạp của bệnh nhân và ngưỡng đau của mỗi người. Cơn đau thường xuất hiện sau khi thăm khám khoảng vài giờ và thường đau nhất sau khoảng 24h. Sau đó cơn đau sẽ giảm dần và hết sau 1 tuần. Tuy nhiên 25-45% bệnh nhân vẫn ghi nhận còn đau nhẹ sau 1 tuần. Hầu hết bệnh nhân đều chịu được các cơn đau này, tuy nhiên nên báo với Bác sĩ nếu thấy đau nhiều hoặc cơn đau kéo dài. Một số thuốc giảm đau thông thường cũng rất hiệu quả trong những trường hợp này. Nhưng nhớ là bạn cần được kê đơn, tuyệt đối không tự ý mua ở ngoài.

Trong quá trình niềng răng ban đầu, bác sĩ sẽ kiểm tra và điều chỉnh khung niềng để liên tục tạo ra áp lực. Những lần điều chỉnh về sau này sẽ không khó chịu như lần đầu. Toàn bộ lộ trình gắn mắc cài diễn ra trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ. Việc giữ hàm mở liên tục cũng tạo ra nhức mỏi nhất định.

Còn cơn đau nào khác có thể xảy ra sau đó?

  • Dị ứng với môi, nướu, và lưỡi cũng là một vấn đề cần lưu ý. Trước khi niềng răng, người bệnh cần thông báo cho Bác sĩ về tình trạng của mình. Trong trường hợp bệnh nhân không biết trước mình bị dị ứng với các vật liệu niềng răng, cần báo ngay cho Bác sĩ nếu gặp phải các triệu chứng sau: Sưng môi, mặt, lưỡi và cổ họng hoặc các bộ phận khác của cơ thể; Ngứa ran hoặc ngứa trong miệng; Chóng mặt, choáng hoặc ngất xỉu.
  • Các vết trầy xước có thể xảy ra nếu khí cụ nha khoa quá sắc nhọn. Biểu bì da của các bộ phận trong miệng chúng ta rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Đối với bệnh nhân lần đầu gắn khí cụ chỉnh hình thì còn cảm thấy vướng, cộm môi má lưỡi do cọ xát, đôi khi gây các vết loét nhỏ. Một số người gặp vấn đề với phần trong cùng của khung niềng vì vết cắt không gọn, nó có thể đâm vào má của bạn. Nếu khoang miệng không được vệ sinh kỹ lưỡng, những vết thương nhỏ này rất có thể phát triển thành viêm loét và gây đau rát. Vậy nên, hãy báo ngay cho Bác sĩ nếu bạn gặp vấn đề với bộ khung và dây đeo.

Tips để giảm bớt khó chịu khi niềng răng

Trong thời gian điều trị và nhất là tuần đầu tiên sau khi thăm khám, bệnh nhân được khuyến cáo ăn thức ăn mềm, vệ sinh răng miệng (theo hướng dẫn Bác sĩ) để hạn chế các cơn đau và mức độ đau nếu có.

Trong một số trường hợp khi siết răng bị đau nhức quá nhiều, bạn có thể dùng túi chườm đá để giảm đau. Hơi lạnh từ đá có tác dụng xoa dịu cơn đau ngay lập tức. Nếu không có đá bên người, uống một ngụm nước lạnh cũng đem lại hiệu quả tương tự.

Ngậm nước muối cũng là cách phổ biến giúp làm giảm các vết sưng và kích ứng. Nếu nướu của bạn bị sưng hoặc chảy máu, có thể bạn đã không làm sạch khoang miệng đủ khiến viêm nướu bùng phát. Để sử dụng hiệu quả cách làm này, hãy nhớ công thức sau 1-60-3. Cụ thể, trộn 1 muỗng cà phê muối ăn vào một cốc nước ấm; súc miệng trong 60 giây; làm 3 lần mỗi ngày. Trong tình huống khẩn cấp mà bệnh nhân chưa thể gặp Bác sĩ ngay, ngậm nước muối ấm có thể làm giảm mức độ đau nhức tạm thời.

Để không làm ảnh hưởng đến khung niềng, bạn cần tránh sử dụng một số loại thực phẩm nhất định. Những thực phẩm dẻo và dính sẽ khiến việc vệ sinh gặp khó khăn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, những thực phẩm quá cứng có thể làm biến dạng khung niềng. Bệnh nhân cần bổ sung dưỡng chất cần thiết qua các món ăn mềm như soup, sữa chua, v.v.

Kết

Khi nhắc tới điều trị Nha khoa, mọi người sẽ nghĩ ngay tới những cơn đau nhức. Có thể nói, tâm lý lo sợ đóng vai trò lớn trong việc ngăn cản quyết định niềng răng của người bệnh. Nếu vẫn chưa hoàn toàn an tâm, bạn hãy hỏi kinh nghiệm của những người đã thực hiện niềng răng và lắng nghe trải nghiệm của họ. Chỉ cần cẩn thận trong quá trình tìm hiểu và tuân thủ theo chỉ định của Bác sĩ, bạn hoàn toàn có thể giải phóng mình khỏi rào cản tâm lý này.