Kiến thức
Răng khôn: khôn ngoan hay phá bĩnh?
Răng khôn hay còn gọi là răng số 8, là răng trong cùng của bộ người, có nghĩa là mỗi góc hàm trên, dưới, trái, phải, chúng ta có một răng khôn. Với sự tiến hóa của con người thì xương hàm con người ngày còn nhỏ lại trong khi răng không thay đổi nhiều về kích thước, dẫn đến việc răng khôn thường không còn đủ chỗ để mọc lên trong miệng. Chúng ta đã nghe nói rất nhiều về “tai biến mọc răng khôn” và những phiền toái khi mọc của các chiếc răng “không hề khôn” chút nào. Nhiều người hỏi tại sao lại có từ răng khôn trong khi nó luôn gây phiền toái như vậy? Câu trả lời là từ “răng khôn” được dịch từ tiếng nước ngoài như “wisdom tooth” của tiếng Anh hay “dent de sagesse” của tiếng Pháp, do lúc mọc răng khôn là lúc con người bắt đầu trưởng thành (thường là 18 tuổi).
Như vừa nói ở trên, việc không còn đủ chổ để sắp xếp trên cung xương hàm nên răng khôn thường bị “mọc kẹt”, “mọc lệch” hay “mọc ngầm”, mà cụ thể là chúng ta thường chỉ chỉ thấy được một phần cái răng trong góc kẹt mà đội khi bị lầm tưởng như cái răng rất nhỏ. Phần nướu che phủ một phần răng mọc lên không được sẽ rất dễ bị kích thích, dễ bị viêm và nhét thức ăn vào cái “túi” nướu này. Điều này gây khó chịu cho chúng ta, khó vệ sinh, hôi miệng và từ từ sẽ có khả năng chuyển sang những biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng các tổ chức quanh cái răng khôn này. Nhớ lại khi xưa lúc còn công tác trong khoa Nhổ răng-Tiểu phẫu của Bệnh Viện RHM Trung Ương, có những bệnh nhân do ở vùng sâu không có điều kiện tiếp xúc với các cơ sở y tế chuyên sâu, đã để biến chứng nhiễm trùng do răng khôn sưng hết vùng má cùng bên và không há miệng ra được. Những trường hợp này cần phải được rạch thoát mủ ngoài mặt, đặt dẫn lưu dài ngày, nhổ răng khôn và dùng kháng sinh liều cao. Ắt hẳn không ai muốn trải qua một quãng thời gian bệnh lý như thế.
Chính vì vậy mà răng khôn ngày nay luôn được bác sĩ nha khoa khuyến cáo nhổ sớm trước khi chúng có thể “gây chuyện”, chỉ có một số rất hiếm trường hợp răng khôn có đủ chỗ để mọc lên một cách ngay ngắn và thực hiện chức năng của một răng bình thường. Hơn nữa việc không có răng khôn hoàn toàn không bị ảnh hưởng đến sức nhai của con người, bởi 28 cái răng (32 trừ đi 4 răng khôn) đã đủ để thực hiện chức năng ăn nhai, và cũng không còn chỗ cho “kẻ phá bĩnh”.
Hiện nay với công cụ tìm kiếm mạnh như Googe thì các thông tin truyền thông về sức khỏe răng miệng cơ bản chắc chắn dễ dàng được tìm thấy. Người tìm thông tin chỉ việc tìm hiểu mức độ tin cậy của người viết hay nguồn trích dẫn. Cách đây không lâu tôi có thấy trên Facebook các bác sĩ nha khoa đồng nghiệp chia sẻ (một cách bức xức) một bài viết nói về việc bảo tồn răng khôn, nghĩa là không nên nhổ răng khôn, theo quan điểm “thuận theo tự nhiên”. Tất nhiên người bệnh có thể lựa chọn việc điều trị của mình, và họ phải chấp nhận kết cục của nó – với kiến thức và quan điểm của họ.
Thạc sĩ Bác sĩ THÂN TRỌNG NGUYÊN