Thời gian

Sáng: 8h - 12h, Chiều: 1h30 - 20h

Kiến thức

Tại sao răng đau và cách khắc phục

12/08/2020

Không phải cứ sâu răng thì răng mới đau. Vì còn có nhiều nguyên nhân khiến răng đau. Vậy đó là gì và cách khắc phục như thế nào cho hiệu quả?

Tại sao răng đau?

Sâu răng

Có lẽ sâu răng là nguyên nhân đầu tiên ta nghĩ đến khi một chiếc răng đau. Và quả thật vậy, sâu răng khiến cho lớp men răng và ngà răng bị hư hại do vi khuẩn từ mảng bám răng, khiến hình thành các lỗ nhỏ li ti trên răng.

Sâu răng là nguyên nhân đầu tiên ta thường nghĩ đến khi một chiếc răng đau

Sâu răng là vấn đề răng miệng thường gặp, đặc biệt phổ biến ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tuổi. Nhưng bất cứ ai có răng đều có thể bị sâu răng, kể cả trẻ sơ sinh.

Nếu sâu răng không được điều trị kịp thời, tình trạng bệnh càng nặng hơn và ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của răng. Chúng có thể dẫn đến cơn đau, nhiễm trùng nghiêm trọng và mất răng.

Áp-xe răng

Nếu như trước đây bạn từng gặp phải các vấn đề răng miệng như sâu răng, nhiễm trùng nướu… thì những cơn đau răng của bạn có thể xuất phát từ nguyên nhân áp-xe răng.

Những cơn đau răng của bạn có thể xuất phát từ nguyên nhân áp-xe răng

Có 2 loại áp-xe răng. Loại thứ nhất là áp-xe quanh răng gây ảnh hưởng đến chân răng. Loại thứ hai là áp-xe nha chu gây ảnh hưởng đến nướu. Cả hai loại áp-xe đều hình thành các túi nhỏ chứa đầy vi khuẩn rất dễ nhận biết và khiến răng đau dữ dội, liên tục.

Ngoài ra, khi bị áp-xe, bạn có thể gặp khó khăn khi nhai thức ăn, nhạy cảm hơn với thức ăn nóng lạnh. 

Mọc răng khôn

Răng khôn (còn gọi là răng hàm lớn thứ ba) thường bắt đầu mọc từ tuổi 18 trở lên. Mỗi người có bốn răng khôn ở bốn góc hàm. Tuy nhiên, cũng có người không thấy răng khôn mọc ra vì vẫn còn nằm trong xương hàm. 

Răng khôn có thể khiến bạn bị đau răng

Do mọc sau cùng mà vòm miệng con người thường không có đủ chỗ răng khôn mọc bình thường. Do đó, răng khôn mọc lệch, xô lẫn nhau, mọc chen chỗ các răng khác, dẫn đến sưng nướu, đau răng.

Có nhiều trường hợp gặp phải tình trạng những chiếc răng khôn mọc ngầm, mọc lệch không can thiệp kịp thời, khiến phần nướu răng sưng tấy, dễ tích đọng thức ăn gây hôi miệng, viêm nướu…

Bệnh về nướu

Các bệnh về nướu như viêm nướu, nhiễm trùng nướu, viêm nha chu… cũng khiến răng đau dai dẳng không dứt. 

Các bệnh về nướu cũng khiến răng đau dai dẳng không dứt

Bệnh về nướu thường hình thành do vi khuẩn trong các mảng bám ở răng tồn tại lâu ngày. Một số trường hợp khác, có thể do sự thay đổi hormone như ở tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai, hay do tác dụng phụ của thuốc tây…cũng gây kích ứng nướu, viêm nướu.

Cách khắc phục răng đau hiệu quả

Súc miệng bằng nước muối ấm

Súc miệng bằng nước muối ấm sẽ giúp bạn loại bỏ những mảnh vụn thức ăn sót lại ở trong khoang miệng cũng như các kẽ răng. Đồng thời, nước muối còn có thể giúp những chiếc răng đau dễ chịu hơn.

Súc miệng bằng nước muối ấm có thể giúp cơn đau răng dễ chịu hơn

Để thực hiện biện pháp này đúng cách, bạn cần ngậm nước muối và súc miệng trong 30 giây trước khi nhổ ra. Thêm vào đó, dung dịch nước muối sinh lý là lựa chọn tốt nhất cho những người đang cần “tiệt trùng” khoang miệng của mình.

Bạn có thể tìm mua sản phẩm này ở các nhà thuốc. Hoặc bạn cũng có thể tự pha dung dịch nước muối tại nhà bằng cách hòa tan một muỗng cà phê muối trong một cốc nước ấm. 

Chườm lạnh

Chườm lạnh là cách giảm đau răng phổ biến mà bạn có thể áp dụng tại nhà. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả đối với trường hợp đau răng do chấn thương hoặc sưng nướu.

Chườm lạnh là cách giảm đau răng phổ biến mà bạn có thể áp dụng tại nhà

Cơ chế hoạt động của phương pháp sử dụng nhiệt độ thấp này là hạn chế lưu lượng máu đến khu vực bị ảnh hưởng. Từ đó, cơn đau sẽ “tê liệt” một phần, dẫn đến tình trạng giảm sưng và đau.

Đối với trường hợp răng đau kèm sưng vùng má, bạn cũng có thể áp dụng biện pháp này. Hiện tượng sưng má cũng cho biết bạn có nguy cơ đang bị áp xe răng hay bên trong răng mưng mủ. Điều này sẽ gây nhiễm trùng nghiêm trọng đến hàm và các răng khác. Ngoài sưng nướu và sưng má, bạn cũng có khả năng phát sốt. 

Theo một số nhà nghiên cứu, phương pháp chườm lạnh giảm đau hoạt động nhờ vào khả năng tạm thời chặn tín hiệu đau đi đến não do nhiệt độ thấp từ đá viên. 

Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn

Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, paracetamol hay aspirin có khả năng hữu dụng trong việc xoa dịu cơn đau răng đang hoành hành. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng miếng dán giảm tình trạng răng đau hoặc gel gây tê (thường chứa benzocaine) cũng có tác dụng tương tự. 

Một số loại thuốc giảm đau có thể giúp bạn xoa dịu cơn đau răng nhanh chóng

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý:

  • Trẻ dưới 18 tuổi không được phép tự ý dùng aspirin.
  • Sản phẩm chứa benzocaine không dành cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Thăm khám bác sĩ nha khoa

Nếu đau răng không thuyên giảm, bạn nên đến ngay các cơ sở nha khoa để được điều trị

Khi bạn bị đau, hãy theo dõi tình trạng này trong vòng 24 giờ tới. Nếu cường độ đau thuyên giảm theo thời gian, bạn có thể chỉ rơi vào tình huống kích thích tạm thời. Ngược lại, nếu cơn đau kéo dài vài ba ngày kèm theo cảm giác khó chịu, nóng sốt, đau đầu… bạn hãy mau chóng sắp xếp lịch hẹn với nha sĩ để được điều trị đúng cách.

Tùy vào nguyên nhân gây đau răng, nha sĩ sẽ xem xét và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng hiện tại của bạn.