Thời gian

Sáng: 8h - 12h, Chiều: 1h30 - 20h

Kiến thức

Những vấn đề răng miệng phổ biến thường gặp

08/08/2020

“Cái răng là gốc con người” nhưng bạn có đủ tự tin để nói rằng bạn hiểu về “cái gốc” đó chưa? Hãy để Nha khoa 2000 giúp bạn tìm hiểu những vấn đề răng miệng phổ biến bạn thường gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, giúp bạn chăm sóc tốt hơn cho răng miệng luôn khỏe mạnh.

1. Đau răng

Đau răng là vấn đề răng miệng phổ biến nhất mà bạn hay gặp phải, ít nhất là vài lần trong đời. Có nhiều nguyên nhân gây đau răng như sâu răng, mẻ răng, viêm nướu, viêm nha chu, thói quen nghiến răng hay mọc răng khôn…

Đau răng là vấn đề răng miệng phổ biến nhất mà bạn hay gặp phải

Khi bạn gặp phải vấn đề răng miệng này, bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau:

  • Răng ê buốt khi cắn hoặc nhai thức ăn, mẫn cảm hơn với sự thay đổi nhiệt độ trong khoang miệng.
  • Phần má hoặc nướu sưng tấy.
  • Chảy máu chân răng hoặc nướu.

Nếu các triệu chứng không thuyên giảm, tình trạng đau răng kéo dài, bạn có thể bị sốt, đau tai, đau đầu… thì tốt nhất bạn nên tìm đến các bác sĩ nha khoa để được thăm khám.

Tùy theo nguyên nhân của cơn đau mà bác sĩ sẽ tiến hành điều trị cho bạn hợp lý. Tránh tình trạng viêm nhiễm vùng răng miệng.

2. Răng xỉn màu

Răng xỉn màu không còn giữ được độ trắng sáng khi bạn chăm sóc răng miệng không tốt, hoặc thường xuyên sử dụng những thực phẩm có khả năng “nhuộm màu” cho răng như trà, cà phê, thuốc lá…

Có nhiều nguyên nhân khiến răng xỉn màu

Bạn cũng có thể gặp phải vấn đề răng miệng này nếu như bạn đang sử dụng một số loại thuốc như các loại kháng sinh Tetracycline hay Doxycycline…

Hiện nay có rất nhiều phương pháp làm trắng răng hiệu quả, bạn có thể đến các cơ sở nha khoa để được tư vấn phù hợp. Một công nghệ tẩy trắng răng ưu việt có thể kể đến là công nghệ tẩy trắng răng Flash với nhiều ưu điểm vượt trội, giảm thiểu tối đa cảm giác ê buốt, mang lại hiệu quả trắng sáng nhanh chóng và thời gian duy trì lâu dài nếu bạn biết chăm sóc răng miệng đúng cách.

3. Sâu răng

Có thể nói sâu răng là vấn đề răng miệng phổ biến trong cuộc sống. Vì hầu như bất cứ ai cũng từng bị sâu răng, kể cả trẻ em và người lớn. 

Sâu răng là vấn đề răng miệng phổ biến trong cuộc sống

Nói về nguyên nhân gây sâu răng thì “muôn hình vạn trạng” vì cách chăm sóc răng miệng, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đều có thể dẫn đến sâu răng. Riêng đối với Việt Nam, theo các bác sĩ nha khoa cho rằng, việc tuyên truyền, giáo dục trong công tác chăm sóc răng miệng của người dân quá thấp. Cụ thể là 60% trẻ em không đi khám răng miệng thường xuyên, 50% người lớn không bao giờ khám răng định kỳ.

Vì vậy, để ngăn ngừa sâu răng, hãy đánh răng đúng cách ít nhất hai lần một ngày bằng kem đánh răng có Fluoride, hạn chế ăn vặt, dùng chỉ nha khoa hàng ngày, súc miệng bằng nước súc miệng Fluoride và đảm bảo thực hiện đúng các cuộc hẹn với bác sĩ nha khoa 6 tháng/lần. 

4. Răng bị sứt mẻ

Ít ai biết rằng, men răng là bộ phận cứng nhất trong cơ thể. Tuy nhiên, chúng vẫn có nguy cơ bị tổn thương nếu bị tác động quá mạnh. 

Răng của bạn có thể bị sứt mẻ khi lực nhai quá mạnh, tai nạn khi chơi thể thao hoặc do sức khỏe tổng thể có vấn đề

Răng của bạn có thể bị sứt mẻ khi lực nhai quá mạnh, tai nạn khi chơi thể thao hoặc do sức khỏe tổng thể có vấn đề. Thậm chí, thói quen nghiến răng khi ngủ cũng khiến răng có khả năng bị sứt mẻ cao hơn bình thường.

Ngoài ra, nếu bạn bị sâu răng, ăn thực phẩm không lành mạnh chứa nhiều axit như nước trái cây, nước có ga… gây ảnh hưởng đến men răng cũng làm răng dễ bị mẻ.

Một số triệu chứng bạn có thể gặp khi mắc phải vấn đề răng miệng này như:

  • Nướu quanh răng mẻ bị kích ứng.
  • Đau răng khi cắn nếu chỗ răng mẻ chạm vào dây thần kinh.
  • Cảm giác khó chịu, kích ứng lưỡi khi lưỡi lướt qua chiếc răng mẻ.

Cách chữa mẻ răng thường sẽ phụ thuộc vào vị trí răng bị mẻ, độ lớn của chỗ mẻ và các triệu chứng bạn có. Đây không phải là một chứng cần chữa trị gấp nếu bạn không thấy khó khăn khi ăn và ngủ. 

Đối với những chỗ mẻ răng nhỏ, bạn chỉ cần đến nha sĩ để đánh bóng răng. Những chỗ mẻ lớn hơn, nha sĩ sẽ cần thực hiện những cách chữa phức tạp hơn như hàn răng, trám răng, dán sứ veneer, bọc răng sứ…

5. Răng nhạy cảm

Răng nhạy cảm là một vấn đề răng miệng phố biến. Nguyên nhân chủ yếu của răng nhạy cảm là do ngà răng bị lộ ra. Ngà răng là lớp vật chất phía trong của răng, thường được bao bọc và bảo vệ bởi men răng. Khi ngà răng tiếp xúc với thức ăn hoặc đồ uống trực tiếp, chúng gây ra một cơn đau nhức nhẹ và cảm giác đau nhói tới tận chân răng.

Nguyên nhân chủ yếu của răng nhạy cảm là do ngà răng bị lộ ra

Các tổn thương thông thường và sự mòn răng có thể làm cho lớp men răng bị mỏng đi, đặc biệt là phần cổ răng, ở đường viền lợi. Khi lớp men răng bị mất đi, lớp vật chất bao quanh chân răng cũng mất. Lúc này ngà răng mang theo các ống thần kinh nhỏ bị lộ ra. Khi phải tiếp xúc với các mức nhiệt độ khác nhau qua thức ăn và nước uống, kích thích dây thần kinh gây đau và cảm giác khó chịu cho răng.

Nếu bạn đang phải chịu đựng những cơn ê buốt như vậy, hãy đến ngay bác sĩ nha khoa để được kiểm tra và tư vấn cách điều trị phù hợp nhất với sức khỏe răng miệng của bạn.

Ngoài ra, bạn cần chú ý cách chăm sóc răng miệng đúng phương pháp, kết hợp thay đổi chế độ ăn uống. Tránh xa các đồ uống chứa nhiều axit, đặc biệt là nước có ga, nước cà chua, cam, chanh. Tránh ăn các thức ăn quá nóng hoặc lạnh. Tăng cường bổ sung canxi trong chế độ ăn hàng ngày để răng thêm chắc khỏe, củng cố men răng.

6. Răng mọc lệch 

Ai cũng mong muốn sở hữu một hàm răng đều đặn nhưng tình trạng răng mọc lệch lại khiến ước mơ ấy trở nên xa vời. 

Răng mọc lệch chen chúc cũng là vấn đề răng miệng nhiều người gặp phải

Khi gặp phải vấn đề răng miệng này, bạn có thể mắc phải các tình trạng như răng mọc chen chúc, khớp cắn chéo, hàm hô móm hay hở khớp răng cửa, gây ra rất nhiều các bất tiện cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Răng mọc lệch thường mang yếu tố di truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp. Bên cạnh đó, một vài tình trạng hay thói quen có thể làm thay đổi hình dạng và cấu trúc của hàm, bao gồm: sứt môi và hở hàm ếch, dùng nhiều núm vú giả và bú bình sau 3 tuổi, mút ngón tay cái, những chấn thương gây lệch hàm, khối u ở miệng hay hàm, răng có hình dạng bất thường.

Tùy vào loại răng mọc lệch, nha sĩ có thể đề xuất nhiều phương pháp điều trị như niềng răng để sửa lại vị trí răng, nhổ răng để giảm bớt răng, phục hình hay bọc răng, phẫu thuật để chỉnh hình lại hoặc làm ngắn hàm.

7. Vấn đề về răng khôn

Răng khôn là vấn đề răng miệng khiến nhiều người ám ảnh vì những bất lợi mà nó gây ra đối với sức khỏe. 

Răng khôn là vấn đề răng miệng gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe

Răng khôn, hay còn gọi là răng số 8, là răng mọc cuối cùng của hàm, thông thường mọc ở người có độ tuổi từ 17 – 25. Sẽ không có gì xảy ra nếu bạn may mắn có một chiếc răng thật sự “khôn” biết mọc ngay ngắn. Nhưng khi chúng không còn đủ chỗ trên hàm để mọc thì phiền toái sẽ tìm đến bạn. Chúng có thể mọc ngược về phía xương hàm, đâm thẳng về phía răng hàm lớn thứ hai ngay bên cạnh, gây ra những biến chứng khó lường như sâu răng, viêm nướu, hay thậm chí là hủy hoại xương và hàm răng của bạn.

Đối với những chiếc răng “phá bĩnh” như vậy, cách tốt nhất là bạn nên nhổ răng khôn. Hãy tìm đến một cơ sở nha khoa uy tín để thực hiện nhổ răng khôn tránh những biến chứng đáng tiếc.