Thời gian

Sáng: 8h - 12h, Chiều: 1h30 - 20h

Kiến thức

Viêm nha chu và tiểu đường – “đôi bạn” thân thương

27/08/2019

Nghiên cứu đã chỉ ra, viêm nha chu và bệnh tiểu đường có mối liên hệ hai chiều với nhau. Theo đó, bệnh tiểu đường được công nhận là yếu tố gây nguy cơ viêm nha chu và viêm nha chu được coi là biến chứng thứ 6 của bệnh tiểu đường.

Thực tế cho thấy, người bị bệnh tiểu đường dễ mắc bệnh về răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu và những vấn đề về răng miệng này sẽ tác động ngược lại đến khả năng kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường. Đồng thời, đây cũng là tác nhân khiến bệnh tiểu đường tiến triển nặng hơn.

Để biết rõ hơn về mối liên hệ hai chiều giữa viêm nha chu và bệnh tiểu đường, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết bên dưới.

Viem nha chu & tieu duong

Khái niệm viêm nha chu?

Là một bệnh lý phổ biến về răng miệng, bệnh nha chu là tình trạng viêm nhiễm có thể gây phá hủy hệ thống bám dính giữa răng và mô nâng đỡ chung quanh bao gồm nướu răng và xương ổ răng. Bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vì nếu không điều trị, bệnh sẽ tiến triển gây đau nhức răng, lung lay kéo dài và cuối cùng là mất răng.

Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường còn có tên gọi khác là đái tháo đường, là tình trạng bệnh lý khi cơ thể mất đi khả năng chuyển hóa lượng đường trong máu thành năng lượng. Do tuyến tụy không còn sản xuất đủ lượng insulin (một loại hormone giúp cân bằng lượng đường trong máu), dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh. Hậu quả rối loạn chức năng và sự suy yếu nhiều cơ quan đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim, mạch máu và cả nướu răng.

Từ những điều tra thực tế

Theo các tài liệu khoa học, người ta đã tiến hành nghiên cứu trên một nhóm thổ dân có tên Pima sống ở bang Arizona (Mỹ). Nhóm này có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao nhất thế giới. Điều thú vị là họ phát hiện ra ở nhóm dân số này, tỷ lệ mất răng cao gấp 15 lần nhóm dân cư khác. Nguy cơ bị bệnh nha chu cũng cao gấp 3 lần.

Người ta đã liệt kê ra có 3 yếu tố liên quan đến phá hủy mô nha chu là tình trạng kiểm soát đường huyết, thời gian mắc bệnh tiểu đường và sự hiện diện của biến chứng tiểu đường.

Viem nha chu & tieu duong

Ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến viêm nha chu

Người bị tiểu đường có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe răng miệng cao hơn (từ 2 đến 4 lần) người bình thường. Những bệnh lý mà họ dễ mắc phải là viêm nướu, viêm nha chu, v.v. Nguyên nhân là vì đường huyết tăng cao kéo dài làm hệ miễn dịch bị suy giảm. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, tấn công vào nướu. Thời gian mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 càng lâu thì tỷ lệ viêm nha chu càng cao và mức độ viêm nha chu càng nặng.

Hơn nữa, đường huyết tăng cao thúc đẩy quá trình stress oxy hóa, gây tổn thương các mạch máu, làm giảm lưu lượng dòng máu đến nuôi dưỡng nướu răng. Vì thế cho nên người bệnh sẽ thường xuyên bị nhiễm trùng răng miệng.

Những vấn đề răng miệng khác đi kèm với đái tháo đường bao gồm nấm miệng, khô miệng. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến đau, loét, nhiễm trùng và sâu răng.

Bệnh tiểu đường nặng là một trong những lý do bác sĩ sẽ cân nhắc, thậm chí từ chối phẫu thuật. Đặc biệt là các ca đại phẫu có gây mê. Tiểu đường thường dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Sau phẫu thuật vết thương khó lành và dễ nhiễm trùng.

Tác động của Viêm nha chu đến bệnh tiểu đường

Tương tự như các trường hợp nhiễm khuẩn, viêm nha chu có thể là nguyên nhân làm tăng đường huyết và làm cho bệnh đái tháo đường trở nên khó kiểm soát hơn. Bệnh nha chu cũng là một bệnh viêm nhiễm nên bệnh sẽ dễ khởi phát và tiến triển hơn ở bệnh nhân tiểu đường.

Kết hợp điều trị để đạt hiệu quả tích cực

Để điều trị đạt hiệu quả tích cực, cần kết hợp điều trị cả bệnh tiểu đường và viêm nha chu. Thực tế cho thấy, việc điều trị bệnh tiểu đường có thể không thành công do bệnh nha chu. Ngược lại, nếu bệnh nhân tiểu đường kiểm soát cẩn thận lượng đường trong máu và điều trị tích hợp với bệnh nha chu thì sẽ tạo ra một hiệu quả tích cực đến cả hai bệnh.

Viem nha chu & tieu duong

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn cần kiểm soát mức đường huyết, thực hiện chăm sóc răng và nướu. Bên cạnh đó, bạn cũng cần duy trì kiểm tra răng miệng và cạo vôi răng định kỳ 6 tháng/lần. Tuyệt đối nói “không” với đồ ăn ngọt và ngưng hút thuốc lá.

Khi gặp bác sĩ, hãy thông báo về tình trạng bệnh và các loại thuốc bạn đang uống. Lưu ý, nếu đường huyết không được kiểm soát tốt thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

Hi vọng bài viết sẽ giúp bạn trang bị cho mình hành trang kiến thức về sức khoẻ. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn quý đọc giả cần chú ý hơn trong việc chăm sóc răng miệng.

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ