Thời gian

Sáng: 8h - 12h, Chiều: 1h30 - 20h

Kiến thức

Bệnh nha chu - không đơn thuần là sức khỏe răng miệng

07/09/2019

Các căn bệnh tiểu đường và tim mạch đang dần trở nên phổ biến trong dân số ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, còn một căn bệnh khác không những ảnh hưởng đến hơn 50% số người trưởng thành trên thế giới mà còn tác động đến tim mạch và lượng đường trong máu. Căn bệnh này được gọi là bệnh nha chu.

     Khi các mảng bám hình thành trên bề mặt răng không được làm sạch có thể dẫn đến viêm nướu. Nếu tình trạng viêm nướu không được chữa trị thì nó có thể tiến triển thành viêm nha chu. Khi bị viêm nha chu, nướu sẽ bị tụt khỏi răng và tạo thành những khoảng trống được gọi là “túi” bị nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ chống lại vi khuẩn khi mảng bám lan xuống dưới nướu. Nếu không được điều trị, phần xương và nướu xung quanh răng sẽ bị hủy hoại. Cuối cùng, răng sẽ bị lung lay, cảm giác đau khi nhai và cần phải nhổ ra. Sự phổ biến của căn bệnh này khiến cho việc hiểu biết về mối liên quan của nó với những bệnh nguy hiểm đến tính mạng khác như tiểu đường và tim mạch trở nên quan trọng.

     Người ta đã xác định được rằng người bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh nha chu cao gấp ba lần. Vì lượng đường trong máu cao dẫn đến bệnh đái tháo đường khiến hệ miễn dịch thay đổi. Nồng độ glucose trong nước bọt cao làm tăng khả năng phát triển của vi khuẩn liên quan đến bệnh nha chu. Tiểu đường cũng làm giảm khả năng lành thương và phục hồi khi mắc bệnh nha chu. Do đó, bệnh tiểu đường được xem là yếu tố mở đường cho bệnh nha chu. Vi khuẩn gây nha chu làm giảm sự hấp thụ đường của tế bào và gây kháng insulin. Điều này chứng minh rằng bệnh tiểu đường và nha chu có mối quan hệ song phương.

     Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam và nữ. Nghiên cứu cho thấy bệnh nha chu có liên quan đến bệnh tim mạch. Bệnh nha chu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và làm tồi tệ thêm tình trạng của tim.

     Có nhiều yếu tố dẫn đến bệnh tim mạch, một trong những số đó là protein phản ứng C (CRP). CRP xuất hiện trong máu để chống lại vi khuẩn trong khi bị nhiễm trùng. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng lượng CRP ở người bị nha chu thường cao hơn mức 3mg/L (thường là lên đến 9mg/L). Chỉ cần cao hơn 3mg/L là có thể có nguy cơ mắc bệnh tim.

     Điều trị nha chu rất quan trọng đối với việc giảm mức độ vi khuẩn. Dữ liệu cho thấy rằng lượng CRP giảm đi trong vòng 3 đến 6 tháng sau khi điều trị dứt nha chu. Do đó, điều quan trọng là phải tìm cách điều trị khi bạn có bệnh nha chu.

     Nếu bạn không vệ sinh răng miệng hoặc không quan tâm đến răng của mình thì đồng nghĩa là bạn không quan tâm đến lượng đường huyết và sức khỏe tim mạch. Hãy chăm sóc răng của bạn và chúng sẽ chăm lo lại cho bạn.