Thời gian

Sáng: 8h - 12h, Chiều: 1h30 - 20h

Kiến thức

Viêm nha chu và những tác hại nguy hiểm mà bạn không ngờ tới

06/09/2019

Theo Tổ chức Sức khỏe Thế giới – WHO, viêm nha chu được xếp hạng thứ 11 trong những căn bệnh phổ biến nhất toàn cầu. Thế nhưng, ít ai biết rằng căn bệnh này tiềm tàng nhiều tác hại vô cùng nguy hiểm không chỉ về răng miệng mà còn trên toàn bộ cơ thể chúng ta. Không may là các dấu hiệu đầu tiên của viêm nha chu lại thường bị mọi người bỏ qua và không tìm cách điều trị kịp thời. Hãy cùng Nha Khoa 2000 bổ sung thêm các kiến thức về căn bệnh này nhé!

Viêm nha chu thật ra là bệnh gì?

Viêm nha chu – còn được gọi là bệnh nướu răng hoặc bệnh nha chu, bắt đầu bằng sự phát triển của vi khuẩn trong miệng. Bệnh gây ra sưng viêm hoặc kích ứng nướu. Nếu không được điều trị đúng cách, viêm nha chu sẽ phá hủy dần các mô bao quanh răng và làm mất răng. Tất cả mọi bộ phận từ chân răng cho tới xương hàm đều có thể bị ảnh hưởng bởi bệnh nha chu.

Những nguyên nhân gây ra viêm nha chu?

Viêm và kích ứng do vi khuẩn là nguyên nhân ban đầu của bệnh. Vi khuẩn sẽ từ từ lây lan xung quanh nướu. Theo thời gian nếu không được ngăn chặn kịp thời, chúng gây ra nhiễm trùng. Các vết đỏ, đau và sưng xung quanh răng mà bệnh nhân gặp phải là kết quả của nhiễm trùng do vi khuẩn.

Một số nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh nha chu bao gồm:

  • Thói quen vệ sinh răng miệng kém. Nhiều người không đánh răng kỹ hoặc không có thói quen dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Điều kiện vệ sinh kém sẽ khiến viêm nướu dễ phát triển hơn. Người có thói quen xấu như hút nhiều thuốc cũng dễ mắc bệnh nha chu hơn thông thường.
  • Thay đổi nội tiết tố. Thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời kỳ mang thai, dậy thì, mãn kinh và hành kinh hàng tháng ở phụ nữ đều làm cho răng nướu nhạy cảm hơn, khiến viêm nướu dễ phát triển. Vì thế, trong những giai đoạn này, bạn nữ nên chú ý thêm đến vệ sinh răng miệng của mình. 
  • Những căn bệnh ảnh hưởng đến răng nướu của bạn. Ví dụ như bệnh tiểu đường. Máu trong cơ thể bệnh nhân mắc tiểu đường có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn người thường, dễ dẫn tới các  bệnh răng miệng như sâu răng và viêm nha chu.
  • Những loại thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống co giật Dilantin và thuốc chống đau thắt ngực Procardia và Adalat, có thể gây ra sự phát triển bất thường của mô nướu.
  • Di truyền. Nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh răng miệng, xác suất cao là bạn cũng dễ mắc phải chúng, bao gồm cả viêm nha chu.

Tác hại của viêm nha chu nghiêm trọng hơn ta nghĩ!

Tác hại phổ biến nhất của nha chu chính là gây mất răng. Nhưng viêm nha chu còn nguy hiểm hơn thế rất nhiều. Các nghiên cứu Nha khoa nhận định rằng bệnh nha chu liên quan trực tiếp đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác bao gồm: đột quỵ, đau tim và sinh non, bệnh tiểu đường, nhiễm trùng phổi, viêm phổi hay thậm chí là ung thư.

Răng miệng chúng ta không phải là một bộ phận biệt lập, nó là một phần không thể thiếu của hệ thống miễn dịch. Khoang miệng có mối liên hệ mật thiết với nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Sự mất cân bằng vi khuẩn trong miệng có thể dẫn tới các vấn đề trong chức năng miễn dịch của cơ thể. Có nhiều tài liệu y học chỉ rõ: “Bệnh nha chu có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác nhau (bao gồm ung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư thực quản). Một số biến chứng trong thai kỳ và trẻ sơ sinh bị nhẹ cân cũng có liên quan đến căn bệnh này.”

Viêm nha chu gây ảnh hưởng lớn như vậy bởi bản chất của nó chính là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Những vi khuẩn này có khả năng tiếp cận toàn bộ cơ thể thông qua đường máu. Chúng có thể bơi ngược dòng và xâm chiếm các khu vực khác trên cơ thể.

Ngăn ngừa viêm nha chu như thế nào?

May mắn là những tác hại trên có thể được ngăn chặn nếu bệnh nhân kịp thời phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu. Mấu chốt của việc ngăn ngừa viêm nha chu là kiểm soát mảng bám trên răng. Đừng nghĩ rằng bạn không cần đến sự can thiệp của các nha sĩ trong vấn đề vệ sinh. Cho dù bạn giữ gìn răng miệng kỹ càng, một số khu vực vẫn tích tụ rất nhiều mảng bám và vi khuẩn. Hãy dành thời gian đi cạo vôi răng và khám tổng quan ít nhất hai lần một năm.

Trong sinh hoạt thường ngày, bạn cũng nên tập dùng chỉ nha khoa hàng ngày để loại bỏ hoàn toàn thức ăn kẹt giữa các răng. Nước súc miệng có thể làm giảm vi khuẩn gây ra mảng bám và bệnh nướu răng. Nếu bạn không quen với cảm giác cay the của nước súc miệng, hãy tập thói quen súc nước muối ấm thường xuyên hơn. Nước muối cũng có công dụng sát khuẩn không thua kém gì các sản phẩm chuyên dụng và luôn có sẵn trong bếp rất tiện lợi.

Tự chuẩn bị cho mình những kiến thức về viêm nha chu sẽ giúp bạn và người thân tránh được các tác hại khôn lường của căn bệnh này. Hi vọng Nha Khoa 2000 đã giúp bạn hiểu rõ về viêm nha chu hơn.