Kiến thức
Viêm nha chu ở trẻ em và những điều cần lưu ý
Viêm nha chu ở trẻ em và những điều cần lưu ý
Viêm nha chu là bệnh lý răng miệng phổ biến không chỉ thường gặp ở người trưởng thành mà với còn với trẻ em. Thực tế cho thấy, trẻ em là đối tượng dễ mắc viêm nha chu và dễ gặp các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Vậy viêm nha chu ở trẻ em là gì, đâu là những triệu chứng nhận biết và cách khắc phục? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé!
1. Viêm nha chu ở trẻ em là gì?
“Viêm nha chu” là từ khoá phổ biến trong y khoa chỉ tình trạng nhiễm trùng nướu và các tổ chức quanh răng. Ban đầu, viêm nha chu chỉ ảnh hưởng đến phần mô mềm là nướu răng. Về sau, bệnh có thể phát triển ảnh hưởng đến cả xương ổ răng – vốn có vai trò quan trọng trong việc giữ răng vững chắc. Từ đó, khiến răng mất liên kết với tổ chức nâng đỡ này.
Do đó, viêm nha chu ở trẻ em là không thể coi thường. Nó không chỉ gây ra cảm giác đau nhức tạm thời khiến các bạn nhỏ thiếu tập trung mà còn để lại nhiều hậu quả sau này nếu không được điều trị đúng cách. Ngoài ra, khi bị viêm nha chu, nồng độ vi khuẩn luôn ở mức cao trong khoang miệng. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể theo đường máu làm tăng nguy cơ xuất hiện thêm nhiều bệnh lý khác. Vì lý do đó, bạn cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khoẻ răng miêng của bé và tham khảo một số dấu hiệu nhận biết dưới đây để có hướng xử lý kịp thời.
Một số dấu hiệu của bệnh viêm nha chu ở trẻ em
Khi phát hiện bé gặp một số biểu hiện như hôi miệng, nướu sưng tấy có màu đỏ, xuất hiện mủ hoặc thấy các dấu hiệu chảy máu chân răng khi trẻ đánh răng cần lập tức đưa bé đến bác sĩ. Ngoài ra, trẻ em dưới 5 tuổi sẽ thường biếng ăn do bị đau nhức nướu. Do đó, bạn cần theo dõi răng miệng của bé thường xuyên để nhận biết những triệu chứng mới chớm của viêm nha chu và kịp thời chữa trị:
- Có mủ/chất dịch chảy ra ở nướu răng, gây đau nhức khó chịu
- Nướu không có màu hồng như bình thường mà bị đổi sang màu đỏ thẫm hoặc tím thẫm.
- Nướu bị viêm sưng to và bắt đầu tách ra khỏi răng
- Khi đánh răng nướu dễ bị chảy máu. Trường hợp nặng hơn là khi nướu bị chảy máu cả khi không có bất kỳ kích thích nào
- Có vôi răng (cao răng) đóng ở cổ răng.
- Răng bị lung lay, thưa ra hoặc rơi ra.
2. Nguyên nhân gây viêm nha chu ở trẻ em
Viêm nha chu ở trẻ em rất phổ biến vì những nguyên nhân cơ bản sau:
- Ý thức vệ sinh răng miệng: Do còn nhỏ nên các bé chưa thể hình thành thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách. Thông thường, các bé chưa đủ ý thức nhận biết về tầm quan trọng của vệ sinh răng miệng và đôi khi chưa hoàn toàn làm sạch mảng bám. Ngoài ra, việc lười chải răng càng làm cho mảng bám lưu lại lâu hơn và tạo điều kiện để vi khuẩn tấn công, gây các bệnh răng miệng. Đặc biệt là viêm nha chu.
- Tình trạng răng miệng chung ở trẻ nhỏ: Cụ thể ở các bé, hệ thống nướu và các bộ phận xung quanh răng còn rất yếu. Nó chưa đủ sức đề kháng để chống lại sự tấn công của những vi khuẩn gây bệnh cũng là nguyên nhân gây nên viêm nha chu.
– Sở thích ăn uống của trẻ nhỏ: Hầu hết trẻ con có niềm yêu thích đặc biệt với đồ ngọt. Vì vậy bánh kẹo, nước có gas và đồ ăn nhiều màu sắc là những món mà trẻ thường ăn. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ răng miệng của bé nếu không có sự quan tâm của phụ huynh. Đây cũng là thức ăn của các vi khuẩn trong khoang miệng, giúp chúng phát triển mạnh hơn, khiến cho lớp men răng non nớt dễ bị ăn mòn và tổn thương.
3. Cách điều trị và chăm sóc trẻ bị viêm nha chu
Thông thường, bác sĩ sẽ thăm khám tuỳ vào từng trường hợp nhất để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả và nhanh chóng cho bé. Nếu bệnh được phát hiện sớm và viêm nha chu chỉ mới dừng lại ở việc gây sưng tấy, nướu răng nhạy cảm, … bác sĩ thực hiện 1 vài thao tác đơn giản như: vệ sinh khoang miệng sạch sẽ, cạo sạch vôi răng và loại bỏ những mảng bám trên răng, tạo điều kiện cho mô nướu hồi phục và trở lại trạng thái bình thường. Sau đó, Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để bé điều trị ngay tại nhà.
Trong những trường hợp xuất hiện túi mủ và bệnh đã phát triển khá phức tạp dẫn đến việc bé đau nhức nhiều hoặc nướu viêm sưng to, bác sĩ sẽ cần phải thực hiện phẫu thuật để giải quyết túi mủ và tình trạng viêm nhiễm. Ở trường hợp nặng hơn, bệnh khiến răng bé bị lung lay, vùng ổ răng đã tổn thương rất nặng, bác sĩ sẽ buộc phải nhổ bỏ răng để tránh để vi khuẩn lây lan, làm tổn thương đến những vùng lân cận.
4. Nên phòng ngừa viêm nha chu như thế nào cho hiệu quả?
Viêm nha chu ở trẻ em bắt nguồn từ việc vệ sinh răng miệng không sạch. Vì thế, việc bạn cần làm đầu tiên là thiết lập cho bé thói quen vệ sinh răng miệng ngay từ đầu. Hãy hướng dẫn và tập cho trẻ ý thức giữ gìn răng miệng sạch sẽ sau khi ăn. Cụ thể, bạn có thể áp dụng một số phương thức sau nhằm giúp bé phòng ngừa viêm nha chu ngay từ những ngày đầu:
- Xây dựng thói quen chải răng 2 lần/ngày (sau khi ăn và trước khi đi ngủ). Bên cạnh đó nên dùng bàn chải có lông mềm và tránh dùng lực quá mạnh lên răng vì có nguy cơ gây mòn men răng, làm răng suy yếu.
- Có thể kết hợp dùng thêm nước súc miệng và chỉ nha khoa sau khi đánh răng để loại bỏ thức ăn và mảng bám một cách triệt để bên trong khoang miệng cho bé.
- Cho trẻ đến các nha khoa thăm khám răng định kỳ 3 – 6 tháng/ lần và lấy sạch vôi răng, mảng bám ở những nơi bàn chải không làm sạch được.
5. Kết
Nói tóm lại, bệnh viêm nha chu ở trẻ em là vấn đề khá phổ biến, tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể được chữa trị dứt điểm nếu được phát hiện kịp thời và có hướng xử lý đúng cách dựa trên phác đồ điều trị của Bác sĩ. Do đó, nếu các bé đang gặp phải những triệu chứng răng miệng như trên, đừng chần chừ mà hãy tìm đến ngay Nha sĩ để được thăm khám, tránh kéo dài tình trạng này quá lâu dẫn đến hư răng, thậm chí là mất răng, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng chung của bé.